Công nghệ thực tế ảo giúp giảm căng thẳng cho nhân viên chống COVID-19

Để giảm căng thẳng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe, các nhà nghiên cứu ở bang Ohio (Mỹ) đã phát hiện ra một biện pháp giá thành tương đối rẻ và dễ thực hiện, đó là sử dụng thiết bị thực tế ảo.

Đại dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đối với thế giới, nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch luôn rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, chịu tác động nặng nề về mặt tinh thần cũng như kiệt quệ về thể chất trong suốt 2 năm xảy ra dịch bệnh vừa qua.

Để giảm căng thẳng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tại các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhà nghiên cứu ở bang Ohio (Mỹ) đã phát hiện ra một biện pháp giá thành tương đối rẻ và dễ thực hiện, đó là sử dụng thiết bị thực tế ảo.

Chỉ cần 3 phút nghỉ ngơi ngắn ngủi để tận hưởng không gian thiên nhiên yên tĩnh, dễ chịu, được mô phỏng qua công nghệ này, người dùng có thể giảm căng thẳng đáng kể.

Theo phòng thí nghiệm GRID thuộc Đại học Ohio, một trong những đơn vị tham gia nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã quay đoạn video dài 3 phút về quang cảnh một khu bảo tồn thiên nhiên ở Đông Nam bang Ohio.

Khu bảo tồn này rất tươi xanh, tràn đầy sức sống và đặc biệt rất yên tĩnh. Công nghệ quay phim phù hợp với công nghệ thực tế ảo, theo đó người dùng có thể trải nghiệm như đang thực sự đứng giữa không gian thiên nhiên tươi xanh, có thể đi bộ xung quanh và ngắm nhìn theo các hướng khác nhau, theo đó đắm chìm trong vẻ đẹp của thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim hót và tiếng gió thổi.

Dù đây chỉ là trải nghiệm trong thời gian ngắn, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy biện pháp này có hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp trên đối với 102 tình nguyện viên là những người làm việc ở 3 cơ sở y tế khác nhau điều trị bệnh nhân COVID-19 và những người làm những ngành nghề khác, từ những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đến những nhân viên hành chính. Các nhà nghiên cứu ghi nhận mức độ căng thẳng của người sử dụng đã giảm đáng kể.

Các tình nguyện viên được yêu cầu đánh giá mức độ căng thẳng của họ theo thang điểm từ 1-10 trước và sau khi sử dụng công nghệ thực tế ảo trên. Trước khi xem đoạn video ngắn 3 phút trên, mức độ căng thẳng trung bình của họ là khoảng 5,5.

Nhưng sau khi trải nghiệm công nghệ trên, con số này giảm xuống 3,3. Riêng nhóm nhân viên y tế, nhóm đối tượng được đánh giá có mức độ căng thẳng cao nhất, mức độ căng thẳng giảm nhiều hơn, từ trung bình 6,8 xuống 3,9.

Với những kết quả trên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng công nghệ thực tế ảo để mang lại những giây phút thư giãn cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 là khả thi vì giá thành tương đối rẻ và dễ dàng thực hiện ngay tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa rõ hiệu quả của việc sử dụng công nghệ này sẽ kéo dài bao lâu, theo đó cần nghiên cứu thêm để xác định xem không gian thiên nhiên tươi xanh ảo nói trên có giúp người dùng giảm căng thẳng trong dài hạn hay không.