Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng AI vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu như phát triển điện gió, cảnh báo cháy rừng…
Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng công nghệ và những gì AI có thể làm được để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới đối với Việt Nam. Biến đổi khí hậu được coi là một trong những thách thức lớn nhất trên toàn cầu trong thời điểm hiện nay. Trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chia sẻ trên trang tin của FPT, PGS.TS Trần Thế Truyền, Đại học Deakin – Australia đã đưa ra một số nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đến môi trường gồm điện năng, nông nghiệp và giao thông: “Vẫn biết những ông lớn của thế giới như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga là những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu, thế nhưng, không vì thế mà Việt Nam chúng ta vô can. Vì vậy Việt Nam cần phải hành động ngay thời điểm này”.
Trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, AI đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải và thay đổi chu kỳ thích ứng, làm cho hệ thống hiệu quả hơn; Cung cấp các cảm biến, hệ thống giám sát tự động; cung cấp các dự báo chính xác và nhanh chóng hơn; hỗ trợ đưa ra các biến tương đồng (nguyên nhân – kết quả) để hiểu về các hiện tượng thời tiết, dự báo…
Trên thế giới hiện nay đã nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp để ứng dụng công nghệ AI vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu như: Google áp dụng trên việc phát triển điện gió. Nhờ AI – tăng được hiệu suất lên 10% cho một nhà máy điện gió. Đối với giao thông, AI có thể dự báo trước tình trạng tắc nghẽn (dùng camera giám sát, các cảm biến…) để giảm thiểu tắc đường. Hệ thống đo tốc độ xe – dự báo tốc độ/mật độ xe dựa trên dữ liệu thời tiết, dữ liệu lưu thông xe cộ với mục đích để giảm thiểu ô nhiễm. AI cũng góp mặt trong việc phát triển các căn hộ thông minh bằng các hệ thống giám sát, cảm biến… giúp giảm thiểu năng lượng sử dụng trong nhà và trong thành phố. Đối với ngành nông, lâm nghiệp, các hệ thống có ứng dụng AI giúp phân loại cây, phát hiện cháy rừng, giám sát tình trạng sức khỏe của các rặng san hô, tham gia bảo tồn động vật trong các khu hoang dã…
Ông Truyền tin rằng AI là công nghệ phục vụ cho rất nhiều ngành. Nó giúp ích cho hoạt động tự động hóa, giúp truyền bá thông tin tri thức, đưa ra nhiều nội dung dung số. Song, để tham gia giải quyết biến đổi khí hậu, bản thân AI phải là một năng lượng sạch. AI hoàn toàn có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc tự phát triển với một hệ giá trị khác với con người.
Về nguồn nhân lực, PGS cho hay, theo đánh giá chung cho thấy sinh viên Việt Nam đang giỏi hơn nhiều sinh viên nước ngoài vì các bạn được đào tạo khá bài bản, kiến thức nền tảng tốt, nhất là các bạn được học từ các trường đại học uy tín trong nước như Bách khoa, Công nghệ. Không có sự khác biệt giữa sinh viên Việt Nam và quốc tế khi học những kiến thức công nghệ mới.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, các chuyên gia công nghệ cho rằng, AI hiện nay đang là một công nghệ vô cùng quan trọng, cần thiết trong mọi lĩnh vực. Nếu coi AI là điện năng mới, thì dữ liệu là dầu mỏ, than đá, thủy điện… Vì vậy, chúng ta phải giải quyết bài toán dữ liệu, không chỉ trong riêng vấn đề biến đổi khí hậu mà nhiều vấn đề khác.
Hiện xã hội đang có rất nhiều bài toán khác nhau mà cần có dữ liệu mới giải quyết được. Các bài toán lớn này cần có sự đóng góp của nhiều người, mỗi người chỉ cần cung cấp 1 phần nhỏ bằng việc chia sẻ dữ liệu, kết hợp với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp thì sẽ xử lý được các bài toán thực sự trong cuộc sống.
Nhiều người đặt câu hỏi khi công nghệ sẽ đóng vai trò giảm thiểu khí thải, vậy một tập đoàn lớn như FPT đang làm những hoạt động gì để giảm tác động môi trường và chống biến đổi khí hậu?”. Tham gia trong phiên tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, ông Trần Thế Trung chia sẻ FPT đưa ra các phương án về tòa nhà xanh, sử dụng các cảm biến để đo đạc thông số liên quan đến môi trường, từ đó giảm tiêu thụ nhiều năng lượng từ các máy chủ cũng như các dự án công nghệ khác của FPT. Đó là một số hoạt động bề nổi có thể nhìn thấy. Ngoài ra, FPT đang có nhiều nghiên cứu trong chiến lược phát triển công nghệ chuyên sâu giải bài toán này.